15:57 15/01/2025
NÔNG NGHIỆP SINH THÁI - NÔNG THÔN HIỆN ĐẠI - NÔNG DÂN VĂN MINH
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM OCOP
In
Ngày đăng: (25/08/2023) Lượt xem: 415
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) qua gần 5 năm triển khai thực hiện đã đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần khơi dậy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, là chìa khóa để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo định hướng mới, phục vụ tích cực cho các mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Để tiếp tục duy trì và nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm OCOP, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với sản phẩm đã được đánh giá và công nhận, xử lý nghiêm việc sử dụng logo OCOP không đúng quy định và kiên quyết thu hồi sản phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

        Tính đến ngày 31/03/2023, toàn tỉnh có 189 sản phẩm OCOP, trong đó có 01 sản phẩm 5 sao, 19 sản phẩm 4 sao và 169 sản phẩm 3 sao. Từ ngày 01/4/2023, sau khi triển khai đánh giá theo quy định tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm, có 04 đơn vị cấp huyện (thành phố Sóc Trăng, thị xã Vĩnh Châu, huyện Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Tú) đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Kết quả đã đánh giá, công nhận lại 10 sản phẩm 3 sao trước đây hết hạn trình hồ sơ công nhận lại và 23 sản phẩm mới (đạt hạng 3 sao). Lũy kế toàn tỉnh hiện nay có 184 sản phẩm OCOP (không tính các sản phẩm được công nhận trước đây đã hết hạn và chưa được công nhận lại), trong đó có 01 sản phẩm 5 sao, 11 sản phẩm 4 sao và 172 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm OCOP được gắn logo OCOP đã khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường, từng bước được người dân tín nhiệm và lựa chọn tiêu dùng.


Hình. Huyện Mỹ Xuyên tổ chức đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP theo quy định tại Quyết định số 148/QĐ-TTg

        Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cũng còn tồn tại nhiều hạn chế, công tác kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP sau khi được công nhận chưa được chú trọng, việc sử dụng logo OCOP còn một số bất cập như: sử dụng logo OCOP chưa đúng với sản phẩm được công nhận; sử dụng logo OCOP cho các sản phẩm OCOP đã hết thời hạn; sử dụng logo OCOP không đúng quy định,… Ngày 16/8/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn số 2231/UBND-KT yêu cầu các cấp ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh cần phối hợp, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ để duy trì, nâng cao giá trị, hình ảnh, chất lượng sản phẩm OCOP và uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

        Theo đó, cần tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng logo OCOP đối với các sản phẩm OCOP đã được đánh giá, công nhận đạt từ 3 sao trở lên, yêu cầu các chủ thể thực hiện việc sử dụng logo OCOP theo đúng quy định. Kiên quyết xử lý, thông tin rộng rãi đến người tiêu dùng, các đơn vị phân phối và cơ quan quản lý thị trường đối với những chủ thể OCOP sử dụng logo OCOP không đúng quy định (nhất là những sản phẩm đã hết hạn chưa được công nhận lại hoặc có mức thay đổi về mức đạt sao sau khi đánh giá công nhận lại). Đề nghị các chủ thể không sử dụng logo OCOP đối với các sản phẩm được đánh giá tiềm năng, chưa được cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định công nhận. 

        Các địa phương cần xây dựng Kế hoạch phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng, sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu, hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao và từ 4 sao lên 5 sao. Thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với sản phẩm OCOP đã được đánh giá và công nhận, đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP khi sản phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định. Kịp thời tổ chức rà soát, đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm OCOP đã hết hạn theo quy định.

       Ngoài ra, cần tiếp tục hỗ trợ, nâng cao năng lực cho chủ thể về quản trị, tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại, quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm,... Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá các sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm, nhân rộng mô hình điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. 

       Trong giai đoạn mới, nhất là khi Quyết định số 148/QĐ-TTg được ban hành với nhiều thay đổi trong cách chấm điểm, đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP, thì vấn đề quản lý, giám sát đối với các sản phẩm OCOP càng quan trọng để bảo đảm gắn sao và đưa ra thị trường những sản phẩm thực sự chất lượng. Với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Ủy ban nhân dân tỉnh cùng với sự vào cuộc nghiêm túc, chất lượng của các sở, ban, ngành, địa phương, chắc chắn các sản phẩm OCOP của tỉnh Sóc Trăng sẽ ngày càng khẳng định chất lượng, vị thế trên thị trường trong và ngoài nước./.

Nguyễn Thanh Thúy - VPĐP NTM tỉnh
THƯ VIỆN NÔNG THÔN MỚI
LƯỢT TRUY CẬP
162791