19:12 15/01/2025
NÔNG NGHIỆP SINH THÁI - NÔNG THÔN HIỆN ĐẠI - NÔNG DÂN VĂN MINH
“CHỨNG NHẬN SẢN PHẨM OCOP” GÓP PHẦN NÂNG CAO GIÁ TRỊ TRÁI CÂY QUÊ HƯƠNG KẾ SÁCH.
In
Ngày đăng: (29/08/2024) Lượt xem: 228
Huyện Kế Sách có tổng diện tích trồng cây lâu năm 18.271ha, gồm các loại cây ăn trái đặc sản như: Bưởi năm roi, Bưởi da xanh, Xoài, Vú sữa, Sầu riêng, Măng cụt, Nhãn, Cam, Mít..... Cơ cấu cây ăn trái được chuyển đổi cơ cấu theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và theo tín hiệu thị trường. Chương trình OCOP trên địa bàn huyện là một giải pháp thiết thực, hiệu quả giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn thông qua việc phát triển nhóm sản phẩm trái cây đặc sản có lợi thế ở địa phương. Nâng cao giá trị “trái cây Kế Sách” đem lại lợi nhuận cao cho người dân trồng cây ăn trái.

        Hiện nay Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) huyện Kế Sách có 08 chủ thể tham gia với 09 sản phẩm được công nhận, trong đó có 06 sản phẩm đạt 4 sao và 03 sản phẩm đạt 3 sao. Nổi bật, có đến 07 sản phẩm trái cây  thuộc 06 Hợp tác xã được chứng nhận sản phẩm OCOP, gồm 06 sản phẩm đạt 4 sao và 01 sản phẩm đạt 3 sao. Hiện nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cũng đang hỗ trợ Hợp tác xã Nông nghiệp An Thạnh chuẩn hóa sản phẩm trái xoài để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lần 2 năm 2024. Đa phần các sản phẩm trái cây được chứng nhận OCOP đều đã được hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu lớn như: Bưởi năm roi - 392 ha, Bưởi da xanh - 775 ha, Vú sữa - 2.209 ha, Sầu riêng - 2.149 ha, Xoài - 1.236 ha, Măng cụt - 309 ha, Nhãn - 1.265 ha, Cam - 741 ha, Mít - 1.957 ha.... Theo Ông Trần Văn Phương – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Xóm Đồng 2 với sản phẩm trái Vú sữa Bơ hồng được công nhận đạt 4 sao vào năm 2022 cho biết: "Đến nay Hợp tác xã đã mở rộng quy mô khoảng 21 ha với sản lượng trung bình đạt 190 tấn đem lại thu nhập bình quân cho xã viên khoảng 250 – 300 triệu đồng/1ha/vụ sản xuất. So với trước khi được công nhận sản phẩm OCOP giá bán tăng bình quân 25 -  30%".

Hình 1. Sản phẩm trái cây "Vú sữa Bơ hồng" của huyện Kế Sách 

        Có thể thấy rằng, đạt được kết quả như trên là do người tiêu dùng ngày càng tin tưởng vào các sản phẩm được công nhận OCOP. Thị hiếu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm đã có chứng nhận được ưa chuộng hơn do sản phẩm được cơ quan chức năng chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và điều kiện sản xuất kinh doanh của chủ thể. Số lượng hợp đồng liên kết tăng thêm so với trước khi chứng nhận sản phẩm OCOP. Từ đầu năm đến nay đã liên kết tiêu thụ bưởi được 712 tấn trong nước, xuất khẩu được 42 tấn. Vụ vú sữa năm 2023-2024 đã xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ với sản lượng 162 tấn, liên kết tiêu thụ trong nước với sản lượng 218 tấn.

        Các Hợp tác xã trồng cây ăn trái có sản phẩm OCOP được chứng nhận không chỉ quan tâm đến quá trình nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời quan tâm, chú trọng đến các yếu tố làm gia tăng giá trị sản phẩm như: tính thân thiện với môi trường trong quá trình sản xuất, mẫu mã bao bì sản phẩm, cách đóng gói, tính độc đáo  ... Bên cạnh đó các cơ quan chuyên môn hỗ trợ Hợp tác xã, chủ thể có thể giới thiệu, bán hàng trên môi trường số eHTX, trang web OCOP, kết nối nông sản (báo Nông nghiệp Việt Nam), website htx.cooplink.com.vn bằng hình thức cầm tay chỉ việc để tiêu thụ sản phẩm được nhiều kênh, nhiều phân khúc thị trường. Đồng thời bồi dưỡng kiến thức kỹ năng quản lý, điều hành, tiếp thị cho đội ngũ lãnh đạo Hợp tác xã.

Hình 2. Các sản phẩm OCOP trái cây của huyện Kế Sách

        Với sự quyết tâm cao của cấp huyện, xã, sự phối hợp của các đơn vị hỗ trợ có liên quan và sự đồng lòng của các chủ thể là các Hợp tác xã chuyên canh cây ăn trái trên địa bàn huyện ngày càng tạo ra giá trị gia tăng cho các loại trái cây. Khẳng định thương hiệu “trái cây Kế Sách – trái cây OCOP” trong lòng người tiêu dùng. Từ đó góp phần tăng thu nhập cho nông dân nói chung và thúc đẩy đạt tiêu chí Thu nhập nói riêng trên địa bàn các xã xây dựng nông thôn mới./.

Phạm Thị Mỹ Hằng - VPĐP nông thôn mới huyện Kế Sách
THƯ VIỆN NÔNG THÔN MỚI
LƯỢT TRUY CẬP
162791