15:50 15/01/2025
NÔNG NGHIỆP SINH THÁI - NÔNG THÔN HIỆN ĐẠI - NÔNG DÂN VĂN MINH
“HUYỆN CÙ LAO DUNG ĐƯỢC CÔNG NHẬN HUYỆN ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI”
In
Ngày đăng: (18/07/2024) Lượt xem: 151
Sau hơn 13 năm tích cực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngày 12/7/2024, huyện Cù Lao Dung đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định số 634/QĐ-TTg.

        Cù Lao Dung là một huyện khá đặc biệt với 8/8 đơn vị hành chính đều là xã đảo, nằm cách biệt với đất liền. Khi chưa triển khai xây dựng nông thôn mới, điều kiện kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện rất khó khăn, các công trình cơ sở hạ tầng điện – đường – trường – trạm thực sự yếu kém (thậm chí có nơi không có đường giao thông, không có điện sử dụng,…), sinh kế người dân chủ yếu chỉ dựa vào canh tác mía hiệu quả thấp, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 18 triệu đồng/ năm, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm đến 36,62%, qua rà soát năm 2010 các xã chỉ đạt bình quân 4,7 tiêu chí. Sau 13 năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, bằng sự nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm cao nhất, tập thể Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Cù Lao Dung, dưới sự hỗ trợ, phối hợp của các ngành các cấp, đã phát triển khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả nổi bật.

        Chuyển biến nổi bật nhất có thể kể đến sự phát triển hoàn thiện của hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn. Là huyện cù lao nền hạ yếu, suất đầu tư công trình lớn nhưng huyện đã nỗ lực đầu tư 226 tuyến đường giao thông nông thôn và 06 tuyến đường huyện đạt chuẩn theo quy định, trong đó 100% các xã đều có đường ô tô đến trung tâm. Cơ sở vật chất của tất cả các trường trên địa bàn huyện đều được đầu tư đạt chuẩn theo quy định. Là huyện cách biệt với đất liện nhưng huyện đã phát triển hệ thống điện với gần 246 km đường dây trung thế, 431 km đường dây hạ thế và 673 trạm biến áp với 70.020 kVA, 100% xã, ấp trên địa bàn huyện đều có lưới điện quốc gia về tới trung tâm, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu điện sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh của Nhân dân. Đặc biệt, Dự án cầu Đại Ngãi kết nối tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng đã khởi công từ tháng 10 năm 2023, khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng (dự kiến năm 2027), quốc lộ 60 được kết nối toàn tuyến, huyện Cù Lao Dung sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để bứt phá, phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ hơn nữa, xứng đáng với tiềm năng và lợi thế của vùng.

        Về phát triển kinh tế, xuyên suốt thời gian qua, huyện đã tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nổi bật đã chuyển đổi mạnh mẽ diện tích trồng mía kém hiệu quả sang cây ăn trái, tôm nước lợ vừa đem lại hiệu quả vừa thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện nay, trên địa bàn các huyện đã hình thành được 42 vùng trồng tập trung (trong đó có 08 vùng đã được cấp 29 mã Code, có 4 vùng sản xuất theo quy trình VietGAP, có 02 mặt hàng trái cây được cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể). Các cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện đã được hình thành liên kết sản xuất và tiêu thụ chặt chẽ với các Công ty, từ năm 2022 đến nay, đã liên kết xuất khẩu trên 05 tấn thanh nhãn sang thị trường các nước như Úc và Hoa Kỳ. Đối với phát triển nuôi trồng thủy sản, huyện phát triển mạnh việc nuôi tôm thẻ chân trắng từ năm 2014 với diện tích thả nuôi hơn 3.600 ha mỗi năm, trong đó, có hơn 309 ha được cấp Giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, gần 83 ha được cấp Giấy Chứng nhận nuôi tôm đạt chuẩn quốc tế (ASC) và 108 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học. Triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, từ năm 2019 đến nay huyện đã phát triển và được công nhận có 16 sản phẩm OCOP, trong đó có 01 sản phẩm 04 sao và 15 sản phẩm 03 sao, 100% các sản phẩm OCOP đều được đưa lên sàn thương mại điện tử để trao đổi mua bán, đồng thời huyện cũng đã xây dựng 01 Cửa hàng giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP kết hợp với điểm phát triển du lịch. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên 01 ha năm 2023 đạt trên 180 triệu đồng (tăng gấp 2 lần so với năm 2010). Ngoài ra, để nâng cao thu nhập cải thiện đời sống của người dân nông thôn, từ năm 2016 đến nay, huyện đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để từng bước hình thành, phát triển du lịch nông thôn, khai thác tiềm năng lợi thế vùng sông nước gắn liền với nhiều giá trị lịch sử. Hiện tại, trên địa bàn huyện có nhiều điểm du lịch đặc sắc, nổi bật xã An Thạnh 1 có Làng du lịch Long Ẩn phát triển mô hình homestay vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái sông nước miệt vườn; xã An Thạnh Nam có Khu du lịch Farmstay Sân Tiên gắn với truyền thuyết xứ “Tiên sa” có các dịch vụ lưu trú, ăn uống, tour tham quan trải nghiệm đi cầu tre dưới tán rừng, câu cua, câu cá, tham quan rừng bần, bãi nghêu bằng thuyền du lịch. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 01 Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia là Đền thờ Bác Hồ và 03 di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh (Bia chiến thắng Rạch Già, Bia chiến thắng An Hưng và Đình Rạch Giồng) là tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa tâm linh. Việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế nông thôn đã góp phần nâng cao mức sống người dân nông thôn, tăng thu nhập bình quân đầu người qua các năm, kết quả năm 2023 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt bình quân 62,39 triệu đồng/người, trong đó, khu vực nông thôn đạt 61,54 triệu đồng/người (tăng 3,5 lần so năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn 07 xã giảm còn 0,35%, tỷ lệ hộ cận nghèo đa chiều giảm còn 2,23%.

Diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện

        Tính đến cuối năm 2023, huyện đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1/7 xã (14,28%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thị trấn Cù Lao Dung đã rà soát đạt 9/9 tiêu chí đô thị văn minh, huyện đã đầu tư, thực hiện đạt toàn diện 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, từ năm 2010 đến cuối năm 2023 huyện đã huy động tổng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới được hơn 5.831 tỷ đồng. Từ những kết quả đáng ghi nhận, phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới luôn nhận được sự đồng tình thống nhất cao từ Nhân dân, với 99,89% người dân tham gia ý kiến đồng thuận về kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Đặc biệt, huyện Cù Lao Dung đã triển khai “Chiến dịch 30 ngày đêm chỉnh trang nông thôn mới, đô thị văn minh” huy động cả hệ thống chính trị và Nhân dân trên địa bàn huyện đồng loạt ra quân cải tạo, chỉnh trang, tạo sự chuyển biến vượt bậc về cảnh quan môi trường, xây dựng nông thôn Cù Lao Dung thành miền quê đáng sống.   

Một số hoạt động dọn dẹp, chỉnh trang cảnh quan môi trường nông thôn trên địa bàn huyện

        Cù Lao Dung có thể xem là huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới theo chuẩn Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 – 2025 với nhiều chỉ tiêu, tiêu chí còn khá mới. Được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới là sự kiện chính trị vô cùng quan trọng, là sự cổ vũ, động viên vô cùng to lớn cho Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Cù Lao Dung sau hơn 13 năm xây dựng nông thôn mới, đồng thời là kết quả có ý nghĩa to lớn đối với tỉnh Sóc Trăng trong việc thực hiện mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2025 đã đề ra./.

Nguyễn Thanh Thúy - VPĐP NTM tỉnh
THƯ VIỆN NÔNG THÔN MỚI
LƯỢT TRUY CẬP
162791