22:36 15/01/2025
NÔNG NGHIỆP SINH THÁI - NÔNG THÔN HIỆN ĐẠI - NÔNG DÂN VĂN MINH
TRẦN ĐỀ CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC KHI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
In
Ngày đăng: (01/08/2022) Lượt xem: 283
Trần Đề là huyện chuyên về sản xuất nông nghiệp và ngoài cây lúa, con tôm huyện Trần Đề còn được biết đến là địa phương có bến cá, cảng cá nơi có nhiều tàu thuyền đánh bắt thủy, hải sản ngoài biển qua cảng cá và lượng tàu đánh bắt thủy, hải sản trên biển của huyện khá nhiều. Tuy nhiên, trước khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, hầu hết các xã trên địa bàn huyện, chỉ đạt từ 1-7 tiêu chí nông thôn mới (NTM). Qua hơn 10 năm, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, huyện Trần Đề đã có 5/9 xã đạt chuẩn NTM và 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (NTMNC), các xã còn lại đạt từ 17 tiêu chí trở lên.
Nông nghiệp phát triển nhờ XDNTM
     Theo đó, huyện xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực trong việc nâng cao đời sống của người dân tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện và góp phần đạt các tiêu chí XDNTM. Do đó, huyện đã thực hiện công tác phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. 
     Theo đồng chí Trần Hoàng Dũng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề (Sóc Trăng) chia sẻ: “Thông qua cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, diện tích lúa gieo trồng hàng năm của huyện hơn 44.849 ha, trong đó diện tích lúa đặc sản gần 42.300, tổng sản lượng lúa đặc sản hơn 269.000 tấn. Để mở rộng diện tích sản xuất lúa đặc sản trên địa bàn huyện đạt được con số diện tích lúa chất lượng cao, lúa đặc sản hơn 85% như hiện tại, hàng năm huyện phối hợp ngành Nông nghiệp tỉnh thực hiện mô hình sản xuất lúa, thuộc Dự án liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm lúa đặc sản, theo hướng VietGap, hướng hữu cơ tại các tổ hợp tác (THT)/hợp tác xã (HTX) ở các địa phương trên địa bàn huyện, theo các vụ mùa sản xuất lúa trong năm, với diện tích hơn 220 ha/vụ/năm. Thông qua triển khai mô hình canh tác giống lúa đặc sản, nhiều hộ dân làm theo nên góp phần trong việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa trên địa bàn huyện”.
     Bên cạnh đó, về cây màu diện tích trồng màu và cây công nghiệp ngắn ngày hơn 3.643 ha; về chăn nuôi với tổng đàn gia súc 31.995 con, trong đó đàn bò sữa 2.229 con đây là vật nuôi đem lại nguồn thu nhập khá tốt cho người dân nông thôn và huyện có HTX thu mua sữa cho hộ dân nuôi bò sữa. Đồng thời, huyện Trần Đề cũng được xem là một trong các huyện, nuôi tôm trọng điểm của tỉnh, bởi ngoài diện tích nuôi tôm tại hộ dân, thì tại huyện có nhiều trại nuôi tôm công nghệ cao của các Nhà máy chế biến thủy sản đã đầu tư trại nuôi tôm tại một số xã trên địa bàn huyện. Thống kê huyện có diện tích nuôi trồng thủy sản 6.091 ha, trong đó tôm nuôi nước lợ 4.678 ha. 
Ngoài ra, huyện còn có số lượng tàu đánh bắt thủy, hải sản trên biển gần bờ và xa bờ hàng trăm chiếc và sản lượng khai thác thủy, hải sản hàng năm của huyện hơn 56.384 tấn. Nhờ thành quả trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM cùng sự đầu tư cơ sở hạ tầng điện, đường giao thông, thủy lợi… của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, đã góp phần cải thiện đời sống người dân tại các xã trên địa bàn huyện và kéo giảm số hộ nghèo toàn huyện xuống còn 1,9%...
     Kinh nghiệm và giải pháp XDNTM
     Xuất phát là huyện đạt các tiêu chí NTM thấp, trước khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM và qua 10 năm triển khai thực hiện chương trình huyện đạt thành quả với 5 xã đạt chuẩn NTM và 1 xã đạt chuẩn NTM NC. Để đạt kết quả trên, huyện Trần Đề đã có một số kinh nghiệm trong XDNTM đó là coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến những vấn đề có liên quan về XDNTM để dân hiểu, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và nhân rộng kịp thời các mô hình thực hiện có hiệu quả, tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội. Song song đó, các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung chỉ đạo cụ thể, liên tục, đồng bộ và huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị; tăng cường kiểm tra, sơ kết, tổng kết, thúc đẩy thực hiện chương trình… 
     Đồng chí Lưu Hữu Danh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trần Đề cho biết: trong giai đoạn 2025 - 2030 mục tiêu của huyện sẽ có 9/9 xã đạt chuẩn NTM, 7 xã đạt chuẩn NTMNC và 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Để đạt các mục tiêu trên huyện sẽ thực hiện các giải pháp đó là đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân bằng cách nâng cao năng lực tổ chức sản xuất kinh doanh của người nông dân. Rà soát, đánh giá hoạt động của các HTX, THT để sắp xếp, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động. 
     Cùng với đó, tiếp tục nâng chất   các tiêu chí trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, môi trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức; phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Tập trung huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình XDNTM…”./.
Hình 1: Tham quan một trại nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Trần Đề
Hình2: Sản xuất giống lúa chất lượng cao góp phần nâng cao thu nhập cho người dân
Thuý Liễu
THƯ VIỆN NÔNG THÔN MỚI
LƯỢT TRUY CẬP
162791