Thứ 5,20:51 23/01/2025
NÔNG NGHIỆP SINH THÁI - NÔNG THÔN HIỆN ĐẠI - NÔNG DÂN VĂN MINH
GIẢI PHÁP VƯỢT KHÓ HOÀN THÀNH MỤC TIÊU XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI NĂM 2022 CỦA TỈNH SÓC TRĂNG
In
Ngày đăng: (04/01/2023) Lượt xem: 172
Ngày 03/01/2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ký 13 quyết định công nhận 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đánh dấu mốc tỉnh Sóc Trăng hoàn thành vượt mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2022 (so với chỉ tiêu Trung ương giao có thêm 05 xã nông thôn mới và 05 xã nông thôn mới nâng cao). Nâng lũy kế toàn tỉnh hiện nay có 64 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 80%), trong đó có 16 xã nông thôn mới nâng cao (đạt 20%), thị xã Ngã Năm và thị xã Vĩnh Châu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, huyện Mỹ Xuyên đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

 Năm 2022 có thể xem là năm đầu tiên thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của giai đoạn 2021 – 2025. So với hai giai đoạn trước, Chương trình giai đoạn 2021 – 2025 phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chung đến từ việc khung cơ chế chính sách ban hành trễ, các nguồn vốn trung ương giao trễ, nguồn ngân sách địa phương còn gặp nhiều khó khăn, các Bộ tiêu chí nông thôn mới yêu cầu ngày càng chuyên sâu, đáng chú ý nhất là Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao với 19 tiêu chí có mức độ yêu cầu nâng chất rất cao so với 05 nhóm tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao mà tỉnh ban hành và thực hiện giai đoạn 2016 – 2020… Để đạt được kết quả như hôm nay, cả hệ thống chính trị và Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã rất quyết tâm, nỗ lực, chung tay thực hiện đồng bộ các giải pháp đột phá để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. 
        Nổi bật nhất là công tác hoàn thiện khung cơ chế chính sách thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh, với tinh thần “quyết liệt, chủ động và sáng tạo”, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình, tỉnh đã nhanh chóng triển khai, ban hành nhiều cơ chế chính sách phục vụ xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến cơ sở. So với các giai đoạn trước, để nâng cao tinh thần trách nhiệm và sự vào cuộc quyết tâm của địa phương, tại Kế hoạch thực hiện Chương trình 05 năm tỉnh đã xác định và giao mục tiêu cụ thể cho các địa phương về số lượng, thời gian và đơn vị phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025. Bên cạnh đó, trong điều kiện một số Bộ ngành trung ương chưa hoàn thành việc công bố chỉ tiêu, quy định tiêu chí nông thôn mới, tỉnh đã vận dụng linh hoạt các quy định hiện có và căn cứ vào tình hình thực tiễn địa phương, ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp (xã, huyện) ở các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu), đồng thời khéo léo vận dụng, ban hành Hướng dẫn tạm thời việc thực hiện, đánh giá, công nhận các Bộ tiêu chí, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, bắt tay ngay vào công tác rà soát, đánh giá, xây dựng lộ trình phấn đấu đạt chuẩn, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2022. Mặt khác, với phương châm phát huy cao nhất hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là nguồn vốn trung ương phân bổ cho tỉnh, ngay khi có Quyết định giao vốn của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục theo quy định trình phân bổ nguồn vốn để thực hiện.
        Song song với công tác hoàn thiện khung cơ chế chính sách, để tham mưu triển khai thực hiện Chương trình hiệu quả, tỉnh rất quan tâm chỉ đạo công tác kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp, đảm bảo đúng quy định của Trung ương, thực hiện có hiệu quả chức năng tham mưu, giúp việc để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình trên địa bàn tỉnh. 
        Ngoài ra, đóng góp vào thành công chung của Chương trình, không thể không kể đến hiệu quả từ công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới. Xác định xây dựng nông mới muốn bền vững phải bắt nguồn từ cơ sở, tỉnh đã mạnh dạn chỉ đạo thực hiện đồng bộ, nhất quán bộ tiêu chí “hộ văn hóa nông thôn mới, ấp văn hóa nông thôn mới, tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu”, phát động tham gia Hội thi “Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu” trên địa bàn toàn tỉnh. Các hoạt động này đã nhanh chóng nhận được sự đồng thuận, triển khai tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội tỉnh và các địa phương, giúp phát huy hiệu quả vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư và hệ thống chính trị cơ sở trong xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào thực chất, bền vững. 


Hình. Nông thôn mới Sóc Trăng như khoát chiếc áo mới: gọn gàng, xinh đẹp, tươm tất

        Có thể nói, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo, mà trong khoản thời gian chuyển tiếp giữa hai giai đoạn, tinh thần thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh luôn được duy trì và lan tỏa mạnh mẽ. Phát huy tinh thần này, tin tưởng rằng nông thôn mới Sóc Trăng không chỉ vượt chỉ tiêu năm 2022, mà còn tăng tốc mạnh mẽ và về đích ngoạn mục trong 03 năm còn lại của giai đoạn 2021 – 2025./.

Nguyễn Thanh Thúy - VPĐP nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng
THƯ VIỆN NÔNG THÔN MỚI
LƯỢT TRUY CẬP
162826