22:36 15/01/2025
NÔNG NGHIỆP SINH THÁI - NÔNG THÔN HIỆN ĐẠI - NÔNG DÂN VĂN MINH
VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI NÔNG THÔN MỚI TỈNH AN GIANG VÀ SÓC TRĂNG TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM VỀ CHƯƠNG TRÌNH OCOP
In
Ngày đăng: (28/04/2023) Lượt xem: 335
Trong 02 ngày, từ ngày 27/4/2023 đến ngày 28/4/2023, đoàn công tác của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh An Giang đến thăm và làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng về kinh nghiệm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP). Tại buổi làm việc sáng ngày 27/4/2023, Ông Lê Văn Đáng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tiếp và làm việc với Đoàn.

Ông Phạm Thanh Bình – Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh An Giang phát biểu, được biết tỉnh Sóc Trăng là một trong những tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai thành công và đạt nhiều kết quả trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 - 2025, với nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao, kể cả mẫu mã bao bì sản phẩm, công tác giới thiệu sản phẩm đến thị trường. Do đó, hôm nay Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh An Giang tổ chức Đoàn công tác đến thăm và trao đổi một số nội dung có liên quan đến Chương trình OCOP với tỉnh Sóc Trăng, đây cũng là dịp để hai tỉnh có thêm nhiều kinh nghiệm để triển khai một cách hiệu quả Chương trình OCOP. Đồng thời, sau khi trao đổi thông tin, Đoàn cũng mong muốn đến thăm thực tế các mô hình hiệu quả, các điểm du lịch tiêu biểu đã được chứng nhận OCOP để từ đó có thể áp dụng, thực hiện, hướng dẫn và nhân rộng trong trên địa bàn tỉnh An Giang.
     Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018, UBND tỉnh Sóc Trăng đã phê duyệt Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1397/QĐ-UBND ngày 20 tháng 5 năm 2019. Qua gần 4 năm triển khai thực hiện, đến nay toàn tỉnh có 189 sản phẩm được Hội đồng cấp tỉnh đánh giá đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 01 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 19 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 169 sản phẩm hạng 3 sao của 102 chủ thể (doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh), vượt chỉ tiêu 2,9 lần so với Kế hoạch đề án. Sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đồng thời, được các đơn vị phân phối, bán lẻ, sàn giao dịch thương mại điện tử (Trung tâm thương mại BigC, Co.op Mart, VinMart, PostMart,…) ký kết hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn; số lượng hợp đồng liên kết tăng thêm so với trước khi chứng nhận sản phẩm OCOP; thị hiếu của người dân đối với các sản phẩm đã có chứng nhận cao hơn đối với các sản phẩm tiên tiến khác.
     Bà Phương Thị Ngọc Tuyết – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, đạt được những kết quả trên là nhờ có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh. Ngay sau khi đề án được phê duyệt, tỉnh tổ chức nhiều chuyến công tác đi thực tế một số nơi có sản phẩm tiềm năng dự kiến phát triển sản phẩm Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh; qua đó động viên các cơ sở sản xuất cải tiến sản phẩm, mở rộng quy mô, nâng cấp trang thiết bị, dây chuyền sản xuất với mục tiêu tạo ra những sản phẩm với chất lượng cao hơn để tham gia Chương trình OCOP. Đặc biệt đã tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Sóc Trăng năm 2019 với 121 điểm cầu trên toàn tỉnh. Ngoài ra, các sản phẩm OCOP của tỉnh được hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ xây dựng website, thương mại điện tử, hỗ trợ trang thiết bị máy móc, hỗ trợ công bố chất lượng, chứng nhận chất lượng, thiết kế, in ấn bao bì, nhãn mác, xây dựng hệ thống truy suất nguồn gốc, hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ …,
     Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về cách làm, phương pháp thực hiện về công tác tuyên truyền, vận động, rà soát sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP; các cơ chế, chính sách để hỗ trợ Chủ thể trong đánh giá, phân hạng, phát triển sản phẩm, giới thiệu, quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm, các chính sách có sử dụng nguồn vốn Chương trình MQTG xây dựng nông thôn mới cũng như từ các nguồn vốn của địa phương theo quy định. Đặc biệt là trao đổi các nội dung liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành về đánh giá, phân hạng sản phẩm, chuẩn hoá hồ sơ sản phẩm Chương trình OCOP (đặc biệt sản phẩm OCOP Du lịch)./.

 

Nguyễn Thị Thanh Tâm - VPĐP nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng
THƯ VIỆN NÔNG THÔN MỚI
LƯỢT TRUY CẬP
162791