Năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2021-2025, Chương trình rất vinh dự được Tỉnh ủy chọn là một trong những công trình lập thành tích chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh Sóc Trăng (4/1992 - 4/2022). Mặc dù Trung ương chưa bố trí nguồn vốn hỗ trợ thực hiện Chương trình, nhưng được sự quan tâm hỗ trợ của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã nỗ lực cân đối, bố trí nguồn tăng thu ngân sách tỉnh năm 2020 thực hiện Chương trình với kinh phí là 182.970 triệu đồng để hỗ trợ cho các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Kết quả, trong năm 2021, có 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 160% chỉ tiêu kế hoạch do Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh giao; 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và thị xã Vĩnh Châu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đạt 100% Kế hoạch Ủy ban nhân dân tỉnh giao, đồng thời năm 2021 cũng là năm có số lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao cao nhất từ khi thực hiện Chương trình đến nay.
Bước sang năm 2022, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt Chương trình giai đoạn 2021 – 2025 (Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022), Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021 - 2025 đã được ban hành theo xu hướng tăng số lượng các chỉ tiêu, một số tiêu chí, chỉ tiêu nâng cao về chất lượng, nhất là tiêu chí thu nhập, tiêu chí nghèo đa chiều, tiêu chí chất lượng sống, … nhưng với sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành tỉnh và các địa phương, mà đặc biệt là sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân, đã góp phần cho Chương trình một lần nữa đạt và vượt các chỉ tiêu được giao, cụ thể, trong năm đã có thêm 06 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 120% chỉ tiêu kế hoạch do Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh giao; có thêm 07 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt kế hoạch do Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
Đến nay trên địa bàn tỉnh có 64 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 80%, cao hơn bình quân cả nước 6,99% và tương đương với khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. Về xã nông thôn mới nâng cao, toàn tỉnh có 16 xã được công nhận, chiếm 20%, cao hơn bình quân cả nước 8,4%, cao hơn khu vực ĐBSCL 8,6%; có 03 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, chiếm 30%. Theo Kế hoạch số 34/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, phấn đấu đến cuối năm 2023, tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh là 70 xã (87,5%), 22 xã nông thôn mới nâng cao (27,5%), 02 xã nông thôn mới kiểu mẫu (2,5%), 05 đơn vị cấp huyện (50%) đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Với tinh thần của Kế hoạch, khả năng cao là trong năm 2023, tỉnh tiếp tục vượt chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.
Đạt được những thành tích trên, xuyên suốt trong những năm qua, tỉnh đã có những giải pháp hết sức quyết liệt. Điển hình là trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo xuyên suốt, thường xuyên liên tục đến xây dựng nông thôn mới. Trong bối cảnh hết sức khó khăn do phải đối ứng nhiều dự án, công trình trọng điểm, nhưng tỉnh đã phân bổ 256 tỷ đồng để hoàn thành vượt mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới; Hội đồng nhân dân đưa chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm và hàng năm; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình 05 năm giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch số 130/KH-UBND phát động thực hiện Phong trào thi đua “Sóc Trăng chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đây được xem là kim chỉ nam, là động lực để Chương trình nông thôn mới tỉnh nhà liên tục đạt và vượt chỉ tiêu.
Giải pháp thứ hai để Sóc Trăng thực hiện thành công Chương trình trong những năm qua, có thể nói nhờ là sự chủ động của Ban chỉ đạo tỉnh đã vận dụng linh hoạt các quy định hiện hành để hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách trên địa bàn tỉnh theo từng mốc thời gian, tiến độ song song với quá trình Trung ương ban hành. Tính đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thiện 09 Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh (không bao gồm các Nghị quyết về vốn), 10 Quyết định và 10 Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, 02 Kế hoạch và 05 Hướng dẫn của Ban Chỉ đạo tỉnh và rất nhiều văn bản khác. Qua đó, đã tạo điều kiện cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình thông suốt, không bị gián đoạn.
Cuối cùng là tỉnh Sóc Trăng đã xác định công tác thông tin truyền thông luôn là giải pháp quan trọng đóng góp vào thành công chung của Chương trình. Do đó, Tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí hộ văn hóa nông thôn mới, ấp văn hóa nông thôn mới và tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu để các cấp, các ngành tuyên truyền vận động Nhân dân chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, có khoảng 75% hộ gia đìng đã vươn lên đạt chuẩn hộ văn hóa nông thôn mới, 45% ấp đạt chuẩn ấp văn hóa nông thôn mới, 559 tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu với tổng chiều dài hơn 546 km.
Hành trình 03 năm 2021 - 2023 thực hiện Chương trình của tỉnh Sóc Trăng là minh chứng cụ thể cho tinh thần chủ động và trách nhiệm cao của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, vận dụng linh hoạt các quy định hiện hành để định hướng chỉ đạo và ban hành cơ chế chính sách đúng đắn, kịp thời cho xây dựng nông thôn mới, nhằm sớm hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 23/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Sóc Trăng./.
Quang cảnh buổi Hội nghị