Ngày 14/02/2023, tỉnh Sóc Trăng vinh dự được đón tiếp Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đến khảo sát thực tế và dự Hội nghị trực tuyến với các tỉnh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long về tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Sóc Trăng là tỉnh có đồng bào Khmer đứng đầu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cũng là đứng đầu cả nước; với hơn 400.000 người Khmer, chiếm khoảng 30% tổng số dân của tỉnh. Chính vì thế, Sóc Trăng là tỉnh đã và đang thực hiện đồng bộ 03 Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm từng bước nâng cao đời sống cho bà con Khmer nói riêng, bà con khu vực nông thôn nói chung. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng. Tổng nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 là 3.565 tỷ đồng, trong đó huy động từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 243 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gần 3.274 tỷ đồng ; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên 48 tỷ đồng. Đến cuối năm, các Chương trình mục tiêu quốc gia đều cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, trong năm đã có thêm 06 xã nông thôn mới, 07 xã nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số đến nay toàn tỉnh có 64 xã nông thôn mới (đạt 80%), trong đó có 16 xã nông thôn mới nâng cao (đạt 20%), có 03 đơn vị cấp huyện là thị xã Ngã Năm và thị xã Vĩnh Châu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, huyện Mỹ Xuyên đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã triển khai thực hiện xây dựng 63 công trình, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 435 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 487 hộ, đang tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho các hộ còn lại và khi Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức hỗ trợ thì các địa phương sẽ tiến hành hỗ trợ đất ở cho 213 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 623 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho 230 hộ. Ước giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 là 2,19%, trong đó giảm tỷ lệ hộ nghèo Khmer là 3,01%.
Bên cạnh đó, trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Sóc Trăng nói riêng các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long nói chung cũng gặp không ít khó khăn. Phát biểu tại Hội nghị, nhiều đại biểu phản ánh việc ban hành các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia chậm; vốn vay tín dụng khó triển khai do phần lớn đối tượng còn nợ xấu; nguồn vốn năm 2022 được Trung ương giao trễ ; đặc biệt nhất là đời sống kinh tế - xã hội khu vực nông thôn vẫn đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh và thu nhập của người dân khu vực nông thôn …
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định các chương trình mục tiêu quốc gia đã hỗ trợ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025. Trong thời gian tới, đề nghị các bộ, ngành Trung ương khẩn trương ban hành hướng dẫn, phối hợp các địa phương đẩy tiến độ giải ngân; các địa phương sớm ban hành cơ chế chính sách cấp địa phương; sớm hoàn thành các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện; lưu ý nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các địa phương phải được sử dụng có hiệu quả, phân bổ theo nguyên tắc tập trung, định mức cụ thể, rõ ràng, minh bạch, bảo đảm có sự lồng ghép các nguồn lực khi thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên một địa bàn...
Trước đó, Đoàn công tác đã đến khảo sát thực tế tại xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng./.
Quang cảnh buổi Hội nghị
Nguyễn Thị Thanh Tâm- VPĐP Nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng