KINH TẾ - TỔ CHỨC SẢN XUẤT
Thấy được ý nghĩa quan trọng của việc thực hiện Chương trình OCOP, huyện Long Phú đã ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ đến các xã, thị trấn; chỉ đạo xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực, nhằm nâng cao giá trị, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cho người dân. Trong thời gian qua, huyện đã tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành chương trình OCOP cấp huyện, xã và các đơn vị, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký tham gia chương trình về chuyên môn, phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm. Bám sát tình hình thực tế địa phương, huyện đã tập trung, có nhiều giải pháp phát triển sản phẩm OCOP. Tư vấn, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ từ các nhóm, hộ gia đình. Các hợp tác xã đã tham gia OCOP nâng cấp, tái cơ cấu tổ chức kinh tế, hoàn thiện hệ thống sản xuất và kinh doanh. Đa dạng hoá hình thức truyền thông, chú trọng vào hình thức truyền thông qua mạng xã hội
Hình. Lãnh đạo UBND huyện Long Phú đến tham quan cơ sở sản xuất sản phẩm đông trùng hạ thảo Bảo Đăng ở xã Song Phụng
Anh Trần Vũ Phòng, ấp Phụng Tường 2, xã Song Phụng chia sẻ “Trong quá trình tham gia Chương trình OCOP, tôi nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn về bao bì, nhãn mác để làm cho sản phẩm đẹp hơn, được hỗ trợ các trang thiết bị, những giải pháp kiểm nghiệm sản phẩm để đưa sản phẩm tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, được người tiêu dùng tin tưởng”. Anh Nguyễn Hữu Chính, ấp Phú Thứ, xã Phú Hữu bộc bạch “Khi sản phẩm bưởi của HTX được công nhận sản phẩm OCOP thì việc liên kết tiêu thụ được mở ra một hướng đi mới, thông qua các sàn giao dịch điện tử và thương mại điện tử, sản phẩm được đơn vị thu mua liên hệ để tiêu thụ sản phẩm, giá cả cũng cao hơn so với những sản phẩm cùng loại trên thị trường”.
Trong năm đầu tiên triển khai Chương trình (2019), trên địa bàn huyện Long Phú có 03 sản phẩm được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy chứng nhận xếp hạng 3 sao là: Mật sáp, Mật ong Organic và Mật ong Miền Tây của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ong Xanh (ấp Trường An, xã Trường Khánh). Trong năm 2021, trên địa bàn huyện có thêm 11 sản phẩm được Hội đồng của tỉnh đánh giá, xếp hạng đạt sản phẩm OCOP, trong đó có 01 sản phẩm đạt 4 sao là bưởi da xanh của HTX Trường Phát, các sản phẩm còn lại đạt 3 sao là: bưởi da xanh của HTX Trường Đạt, đông trùng hạ thảo Bảo Đăng, trà túi lộc đông trùng hạ thảo và trà đông trùng hạ thảo, dưa bồn bồn, bồn bồn chua ngọt, chuối xấy Xuân Diệu, xá bấu Hòa Phát, tương hột, chanh leo ngọt Sáu Công. Nâng tổng số sản phẩm đạt OCOP trên địa bàn huyện tính đến nay là 14 sản phẩm.
Hình. Một số sản phẩm đạt OCOP 3 sao
Ông Lê Thành Thái, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Long Phú cho biết “Năm 2022, huyện tiếp tục làm việc với các chủ thể đã được công nhận là sản phẩm OCOP, chọn một số sản phẩm chủ lực nâng chất lên thành sản phẩm 4 sao, riêng đối với các chủ thể có tiềm năng sản phẩm OCOP thì trong năm 2022 chúng tôi tiếp tục phát triển thêm một số sản phẩm tiềm năng của địa phương, định hướng chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp cho các chủ thể OCOP. Về cấp kinh phí hỗ trợ thì chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến của các chủ thể tham mưu cho UBND huyện để hỗ trợ cũng như hỗ trợ về bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là hỗ trợ xúc tiến thương mại và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các sản phẩm OCOP”
Với những giải pháp đồng bộ, bám sát thực tiễn ở cơ sở, tin tưởng rằng Long Phú sẽ tiếp tục gặt hái được những kết quả tích cực trong thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, vừa nâng tầm chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa nông sản, vừa tăng thu nhập cho người sản xuất và thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển./.
ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI
XÃ | HUYỆN, THỊ XÃ |
64(có 16 xã nâng cao) | 03 |