QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HẠ TẨNG
Thời gian qua, công tác thủy lợi luôn được huyện Long Phú quan tâm, ưu tiên bố trí vốn ngân sách và huy động Nhân dân trên địa bàn đóng góp ngày công và tiền để nạo vét các kênh thủy lợi đảm bảo đủ nước tưới tiêu phục vụ sản xuất và chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống hạn, xâm nhập mặn.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huyện Long Phú đã tranh thủ từ nhiều nguồn vốn và vận động nhân dân đóng góp để chủ động thực hiện các công trình thủy lợi. Riêng trong năm 2021 toàn huyện đã triển khai thực hiện 26 công trình thủy lợi với chiều dài gần 149km, khối lượng trên 1.000.000 m3 đất; kinh phí gần 20,1 tỷ đồng góp phần ngăn mặn, trữ ngọt để phục vụ sản xuất.
Anh Lâm Phương Tuyết , ấp Bưng Thum, xã Long Phú, huyện Long Phú nhận xét “Trước đây, kênh Nhà Mát bị bồi lắng rất cạn, nhờ Nhà nước đầu tư nạo vét kênh để người dân vận chuyển lúa được thuận tiện, có nước tưới tiêu cho cây trồng, giúp Nhân dân phát triển kinh tế, tôi rất cảm ơn Nhà nước. Người dân chúng tôi khi có công trình thủy lợi đi qua cũng đã cùng với địa phương dọn dẹp cây cối, phát hoang bụi rậm để thuận tiện cho việc thi công”.

Nạo vét Kênh Nhà Mát bị bồi lắng
Thời tiết đang bước vào cao điểm hạn mặn, vùng đê bao khép kín thuộc huyện Long Phú gần như bị mặn vây quanh nhưng điểm đáng chú ý là mùa khô năm nay, Long Phú vẫn đảm bảo đủ nước tưới cho hoa màu, cây ăn trái và trồng cỏ chăn nuôi bò nhờ dựa vào nguồn nước tích trữ qua hệ thống kênh mương thủy lợi đã được nạo vét sâu thêm từ năm trước. Từ đó cho thấy giá trị của nguồn nước ngọt được tích trữ trong các con kênh thủy lợi, bởi bà con vẫn tận dụng đất bờ kênh, nền đất lúa để tạo sinh kế giữa mùa khô hạn.
Ông Quách Kim Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Long Phú, huyện Long Phú cho biết “Đầu năm, Đảng ủy, UBND xã có kế hoạch, chuẩn bị đề xuất nạo vét các tuyến kênh bị bồi lắng để đảm bảo dự trữ nguồn nước cho việc tưới tiêu của người nông dân, đảm bảo việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa, đặc biệt là lúa và dự trữ nước ngọt để hạn chế hạn, mặn xâm nhập”.
Nhờ các công trình thủy lợi mà các địa phương trong huyện đã thực hiện hiệu quả Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thời tiết, phát huy đúng tiềm năng, thế mạnh từng tiểu vùng. Hiện ở huyện, tổng diện tích rau màu đã trồng được 698ha, diện tích cây ăn trái 2.409ha, gồm các loại cây trồng chính như: nhãn, xoài, cam, bưởi…
Ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc Ban QLDA ĐTXD huyện Long Phú cho biết “Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; mùa khô năm 2022 toàn huyện đã triển khai thực hiện nạo vét 77 tuyến kênh với chiều dài trên 88 km; khối lượng nạo vét hơn 490.000 m3 đất; kinh phí thực hiện trên 12 tỷ đồng. Dự kiến trong tháng 3/2022 các công trình sẽ thực hiện xong. Sau khi các công trình này hoàn thành, sẽ đáp ứng một phần yêu cầu tưới, tiêu nước phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh”.
Để đảm bảo nhu cầu tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp và chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống hạn, xâm nhập mặn trong thời gian tới; huyện Long Phú tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tiến hành rà soát, khảo sát hệ thống thủy lợi trên địa bàn để tham mưu cho Lãnh đạo huyện có giải pháp đầu tư nạo vét các tuyến kênh bị bồi lắng nhằm phục vụ cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi,…trên địa bàn huyện Long Phú ngày càng tốt hơn.
Thanh Đồng – Đài Truyền thanh huyện Long Phú
ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI
XÃ | HUYỆN, THỊ XÃ |
64(có 16 xã nâng cao) | 03 |