Năm nay, trên cánh đồng lúa ở ấp Long Thạnh, xã Tân Long, người dân lựa chọn sản xuất giống lúa OM 4900. Để hỗ trợ người dân, ngay từ đầu vụ chính quyền địa phương đã chủ động tìm kiếm doanh nghiệp bao tiêu lúa cho nông dân, tránh trường hợp khi thu hoạch rơi vào thời điểm dịch bệnh phức tạp, gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra để tiêu thụ. Ông Nguyễn Văn Quận - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban nhân dân ấp chia sẻ: “Mọi năm, cuối vụ là phải đi tìm thương lái và đôi khi giá thành cũng bấp bênh lắm. Vụ này chúng tôi đã chủ động một bước để tìm kiếm doanh nghiệp, đến nay đã có doanh nghiệp bao tiêu với nông dân, vì vậy bà con nông dân cũng nhẹ lo, đợi cuối vụ doanh nghiệp xuống thu hoạch và vận chuyển mà thôi”.
Còn tại xã Long Bình, ngoài niềm vui vừa được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, năm nay người dân còn đặc biệt phấn khởi bởi hơn 90% diện tích lúa đã được doanh nghiệp và đại lý ký kết bao tiêu, đặc biệt, giá thu mua lúa đặc sản ST25 còn tương đối cao hơn so với các nhóm giống lúa khác. Sản xuất tiêu biểu trên địa bàn xã, có Hợp tác xã nông nghiệp Phong Hằng ở ấp Mỹ Hòa với diện tích khoảng 110 ha, ngay từ đầu vụ các xã viên đã được doanh nghiệp trao đổi liên kết bao tiêu trên giống lúa ST25 với mức giá cao hơn giá thị trường từ 800 – 1.000 đồng/kg. Ông Huỳnh Thanh Phong – Giám đốc Hợp tác xã cho biết: “Mọi năm thì xã viên làm 2-3 loại giống lúa, cuối vụ thì chạy tới chạy lui để tìm thương lái thu mua, khó khăn quá. Nhưng năm nay, hợp tác xã định hướng chỉ làm một giống ST 25 và được doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu, hỗ trợ quy trình sản xuất lúa giống nên ai cũng yên tâm, phấn khởi”.
Vụ lúa Đông Xuân năm nay, Ngã Năm xuống giống 18.545 ha, doanh nghiệp và đại lý tiến hành liên kết tiêu thụ gần 15.000 ha, tăng hơn 1.000 ha so với vụ trước. Các nhóm giống chủ lực được doanh nghiệp và đại lý ở địa phương lựa chọn bao tiêu như: ST 24, ST25, OM và Đài Thơm 8. Để làm được điều này, chính quyền địa phương đã đứng ra làm đầu mối trung gian, tổ chức cho doanh nghiệp và nông dân gặp gỡ bằng hình thức trực tuyến, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hầu hết doanh nghiệp truyền thống ở các tỉnh bạn không xuống trực tiếp gặp nông dân để liên kết tiêu thụ. Đồng chí Hồng Minh Nhật - Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm cho biết: “Năm nay, phòng chuyên môn đã chủ động tham mưu Thị ủy – Ủy ban nhân dân thị xã, phối hợp với các xã, phường để tổ chức làm “cầu nối” giữa doanh nghiệp và nông dân. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền bà con nông dân và doanh nghiệp giữ chữ “Tín” với nhau để cùng xây dựng liên kết bền vững, lâu dài”.
Việc liên kết tiêu thụ giữa lúc dịch bệnh còn diễn biến phức tạp là hết sức cần thiết, giúp nông dân tiêu thụ lúa dễ dàng ở cuối vụ, góp phần hoàn thành mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế ở địa phương, tiến tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn các xã./.
Hình. Ngành chuyên môn làm việc về tình hình bao tiêu trong vụ lúa Đông Xuân ở Hợp tác xã nông nghiệp Phong Hằng