Hình. Quang cảnh Hội nghị
Tại hội nghị, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã báo cáo tình hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện. Theo đó, đến cuối năm 2021 diện tích gieo trồng lúa của huyện có hợp đồng bao tiêu hơn 33.200 ha (chiếm gần 61% diện tích gieo trồng); có 6 ha dứa MD2 và 2,5 ha bí đao ký hợp đồng liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Trong chăn nuôi, liên kết chủ yếu lĩnh vực tiêu thụ sữa bò tươi với Hợp tác xã Nông nghiệp Evergrowth, tổng sản lượng mỗi ngày hơn 6.300kg. Toàn huyện có 16 hợp tác xã và 87 tổ hợp tác nông nghiệp, 07 sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao cấp tỉnh. Nhìn chung, việc tổ chức liên kết sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế, trung bình tăng khoảng 15 – 20% so với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm truyền thống.
Đại diện các Công ty, doanh nghiệp đã giới thiệu phương án liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản của đơn vị trong hướng tới. Đồng thời, cũng nêu lên một số đề xuất với huyện trong việc xúc tiến đầu tư kết nối tiêu thụ nông sản tại địa phương.
Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Võ Minh Luân đã ghi nhận các đề xuất của Công ty, doanh nghiệp, đồng thời giao phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với các đơn vị, ngành liên quan, các xã, thị trấn triển khai các công việc kết nối tiêu thụ nông sản. Mục tiêu chính là đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp, trong đó hợp tác xã làm nòng cốt nhằm khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Phấn đấu năm 2022, xây dựng 04 điểm thực hiện mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm lúa, màu, chăn nuôi và thủy sản theo hướng an toàn, chất lượng. Lãnh đạo huyện Mỹ Tú yêu cầu các hợp tác xã, tổ hợp tác tăng cường kiện toàn, củng cố bộ máy và tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm, gắn với xây dựng thương hiệu, xây dựng các sản phẩm OCOP ở địa phương./.