“Du lịch nông thôn” tuy không phải là một khái niệm mới nhưng hiện nay để tìm được một mô hình du lịch nông thôn hoạt động có hiệu quả thì rất khó. Đa phần các điểm du lịch nông thôn có quy mô nhỏ, hoạt động mang tính thời vụ, chưa có sự gắn kết, đây là lĩnh vực còn nhiều vấn đề bất cập, hạn chế nhất là về cơ chế, nguồn lực phát triển và các hoạt động đầu tư, xúc tiến, quảng bá,… Để chuẩn hóa các hoạt động này, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững, ngày 14/12/2022 Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 182/KH-UBND để triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, với mục tiêu chung nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên du lịch gắn liền với sản xuất nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương trên địa bàn tỉnh, tạo bước phát triển đột phá cho ngành du lịch trong giai đoạn mới.
Cụ thể đến năm 2025, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn tại các huyện, thị xã được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái; Mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù; có ít nhất 01 xã nông thôn mới kiểu mẫu lĩnh vực Văn hóa – Du lịch; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số, ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Đồng thời, phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch và xây dựng được cơ sở dữ liệu, bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn tỉnh.
Để cụ thể hóa các mục tiêu, 05 nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định, bao gồm: Nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng thế mạnh của địa phương; Phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng; Truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn. Đặc biệt, với nhiệm vụ xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững, tỉnh Sóc Trăng đã đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng mô hình thí điểm “Du lịch sinh thái sông nước miệt vườn Cồn Mỹ Phước” do Trung ương chỉ đạo thực hiện thuộc Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Có thể nói, với vị trí địa lý thuận lợi, có tuyến đường giao thông nằm trên trục chính đường Nam Sông Hậu, “Du lịch sinh thái sông nước miệt vườn Cồn Mỹ Phước” có khả năng kết nối với nhiều tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh, như kết nối với các tour du lịch từ thành phố Cần Thơ, Trà Vinh, các điểm du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch biển trên địa bàn tỉnh hoặc kết nối với tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo,... sẽ góp phần xây dựng, từng bước hình thành mô hình chuỗi du lịch nông nghiệp nông thôn. “Du lịch sinh thái sông nước miệt vườn Cồn Mỹ Phước” sẽ là điểm đến tiềm năng để quảng bá, giới thiệu những trái cây ngon, đặc sản của tỉnh Sóc Trăng với tất cả các du khách, là nơi trải nghiệm thực tế các hoạt động sinh hoạt của người dân nông thôn, trải nghiệm môi trường xã nông thôn mới. Mô hình “Du lịch sinh thái sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước” nếu được xây dựng thành công, sẽ là cơ sở để các địa phương khác có thể hợp tác, nhân rộng, góp phần phát triển lớn mạnh loại hình du lịch đặc trưng của Vùng đồng bằng Sông Cửu Long - Du lịch sinh thái sông nước miệt vườn.
Hình. Cảnh quan cùng các hoạt động của người dân nông thôn vùng sông nước miệt vườn luôn là trải nghiệm thú vị đối với các du khách
Câu chuyện phát triển du lịch nông thôn không phải là chuyện có thể hoàn thành trong “một sớm một chiều” nhưng kỳ vọng với những nỗ lực dành cho “Chương trình Phát triển du lịch nông thôn” giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Sóc Trăng sẽ góp phần làm thay đổi tư duy của người dân nông thôn từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới, đưa xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu và thực chất hơn./.