Theo báo cáo của ông Tô Ngọc Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, về công tác chỉ đạo, điều hành tỉnh đã thường xuyên kiện toàn bộ máy chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh, cấp huyện và ở cấp xã đã bố trí cán bộ chuyên trách nông thôn mới. Ở cấp tỉnh, tỉnh đã đi đầu trong việc ghép 2 Ban: Ban Chỉ đạo chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Riêng đối với cấp xã, tỉnh đã bố trí Bí thư Đảng ủy xã làm Trưởng ban để đảm bảo sát sao, quyết liệt trong việc triển khai, thực hiện các mục tiêu đề ra. Tính đến tháng 6/2020, tỉnh Sóc Trăng không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Đến nay, tỉnh có huyện Mỹ Xuyên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã Ngã Năm được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 47 xã (58,75%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 13-17 tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt 17,4 tiêu chí. So với chỉ tiêu Trung ương giao, về đơn vị cấp huyện, tỉnh đã hoàn thành vượt chỉ tiêu 200%; đối với đơn vị cấp xã đã hoàn thành vượt chỉ tiêu 112,25%; số tiêu chí bình quân trên xã đạt vượt 104,8%.
Đối với chương trình Giảm nghèo bền vững, Ông Mã Chí Thanh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết việc triển khai hiệu quả các dự án hỗ trợ hộ nghèo, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời đã giúp người nghèo giảm bớt khó khăn, tìm được việc làm, tăng thu nhập, góp phần thúc đẩy công tác giảm nghèo. Theo kết quả điều tra, rà soát theo hướng đa chiều, đến cuối năm 2019, tổng số hộ nghèo của tỉnh còn 15.890 hộ, tỷ lệ 4,91% (giảm 3,49% so với năm 2018). Trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer: 7.694 hộ, tỷ lệ 7,67% (giảm 5,31% so với năm 2018). Tổng số hộ cận nghèo: 36.313 hộ, tỷ lệ 11,23% (giảm 0,64% so với năm 2018). Trong đó, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc Khmer: 14.747 hộ, tỷ lệ 15,21% (giảm 0,50% so với năm 2018).
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hùng cho biết, mặc dù Sóc Trăng là tỉnh nghèo, đông đồng bào dân tộc Khmer nhưng Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo đến 02 Chương trình này; thường xuyên chỉ đạo phát huy tối đa các lợi thế, tiềm năng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để thực hiện thắng lợi Chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới đã từng bước làm thay đổi bộ mặt ở nông thôn, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân ở các xã, vùng sâu, vùng xa, được Nhân dân đồng tình ủng hộ và tham gia thực hiện Chương trình.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định tỉnh Sóc Trăng đã có những cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tiễn; đã đạt được những kết quả cao trong thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, thực tế cần quan tâm duy trì nâng chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới để ngày càng bền vững hơn; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tái nghèo hoặc dịch chuyển sang hộ cận nghèo để đạt tiêu chí của nông thôn mới. Tỉnh cần tiếp quan tâm hỗ trợ các hộ nghèo vì chuẩn nghèo sẽ thay đổi theo hướng tăng cao; chỉ đạo thoát nghèo bền vững, thực chất.
Trước đó, sáng ngày 20/8, Đoàn công tác đã đi thăm, kiểm tra thực tế xã Viên An, huyện Trần Đề là một trong những xã đặc biệt khó khăn vươn lên thoát nghèo, đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2020.
Hình 1. Thứ trưởng làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng
Hình 2. Đoàn công tác thăm và làm việc tại xã nông thôn mới Viên An