18:46 15/01/2025
NÔNG NGHIỆP SINH THÁI - NÔNG THÔN HIỆN ĐẠI - NÔNG DÂN VĂN MINH
SÓC TRĂNG TẬP TRUNG THỰC HIỆN CHỈ TIÊU NƯỚC SẠCH TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
In
Ngày đăng: (22/09/2023) Lượt xem: 528
Nước sạch là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá mức độ đạt chuẩn nông thôn mới. Sáng ngày 21/9/2023 tại tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị triển khai thực hiện tiêu chí nước sạch vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long do Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu chủ trì. Phía tỉnh Sóc Trăng có Ông Huỳnh Ngọc Nhã – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số đơn vị trực thuộc Sở tham dự.

     Phát biểu tại Hội nghị, Ông Huỳnh Ngọc Nhã cho rằng Sóc Trăng xác định chỉ tiêu nước sạch là một trong những chỉ tiêu đóng góp cho sự thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bởi mục tiêu cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng môi trường sống, nên từ tháng 5/2022 UBND tỉnh đã sớm ban hành quy định đối với chỉ tiêu “Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao, với mức quy định thực hiện trên địa bàn tỉnh cao hơn so với yêu cầu của trung ương 5%”. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành cơ chế đặc thù hỗ trợ lắp đặt đồng hồ nước và nước sinh hoạt cho hộ nghèo vùng nông thôn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí là 5.355 triệu đồng từ nguồn chi phí sản xuất của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Kết quả thực hiện đến tháng 6/2023, đã thực hiện lắp đặt miễn phí đồng hồ nước cho 367 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, tổng sản lượng nước đã miễn thu cho hộ nghèo đạt 299.129m3.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Sóc Trăng cũng như các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng Sông Cửu long, chịu tác động của biến đổi khí hậu, nhiều tuyến dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa, mật độ dân cư rất thưa nên việc đầu tư mở rộng tuyến ống cấp nước khó khả thi, đến nay vẫn còn khoảng 107.320 dân nông thôn chưa được tiếp cận nguồn nước sạch từ công trình cấp nước tập trung (chiếm 39,69%), đặc biệt là vào các dịp lễ, tết và những tháng đỉnh điểm mùa khô hạn cao điểm, nhu cầu sử dụng nước sạch sinh hoạt của người dân ngày càng tăng mạnh, dẫn đến vượt công suất khai thác tại một số trạm - hệ cấp nước.

     Để thực hiện đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới đến cuối 2025, toàn tỉnh có 72 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 06 huyện/ thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 02 huyện/ thị xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong đó, tỷ lệ người/hộ nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 65%. Sóc Trăng đã xây dựng Đề án cấp nước sạch nông thôn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2023-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Đề án đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 11/7/2023 và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2124/QĐ-UBND ngày 24/8/2023, gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2023- 2025, phấn đấu có 68% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày. Xây mới 12 công trình cấp nước tập trung và mở rộng 706.357 mét đường ống cấp nước, phục vụ cấp nước sạch cho thêm 22.481 hộ dân. Ước kinh phí thực hiện là 293.951 triệu đồng.

     Nhân Hội nghị này, Ông Huỳnh Ngọc Nhã cũng đề nghị các Bộ ngành Trung ương tiếp tục xem xét, hỗ trợ cho lĩnh vực nước sạch nông thôn, nhất là những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn về nước sinh hoạt, đặc biệt đối với các xã điểm xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn tạo điều kiện thực hiện cơ chế đặc thù, cho phép cấp 01 giấy phép tổng lưu lượng khai thác trên cơ sở tổng lưu lượng khai thác theo giấy phép của từng công trình cấp nước đơn lẻ đang hoạt động, nhằm đảm bảo thực hiện việc điều hòa lưu lượng khai thác, cấp nước có hiệu quả từ công trình này sang công trình khác để ứng phó tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong tương lai, sử dụng hiệu quả nước dưới đất của từng công trình cấp nước đang hoạt động./.

Nguyễn Thị Thanh Tâm - VPĐP nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng
THƯ VIỆN NÔNG THÔN MỚI
LƯỢT TRUY CẬP
162791