11:34 15/01/2025
NÔNG NGHIỆP SINH THÁI - NÔNG THÔN HIỆN ĐẠI - NÔNG DÂN VĂN MINH
GIỚI THIỆU NÔNG THÔN MỚI TỈNH SÓC TRĂNG
Giai đoạn 2021 - 2025 là giai đoạn thứ ba trong tiến trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (viết tắt là Chương trình). Mặc dù đã có rất nhiều kinh nghiệm trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trinh, tuy nhiên tỉnh Sóc Trăng nói riêng, cũng như các tỉnh khác trên toàn quốc gặp không ít khó khăn, điển hình như việc quy định mức độ đạt chuẩn của Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã) ở các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) mang tính chuyên sâu và nâng chất ở mức rất cao so với Bộ tiêu chí đã thực hiện trong các giai đoạn trước đây.
     Chính vì thế, giai đoạn 2021-2025, Chương trình đặt ra yêu cầu rất lớn về huy động nguồn lực thực hiện, trong khi nguồn lực hỗ trợ từ trung ương giảm rất nhiều, ngân sách tỉnh gặp nhiều khó khăn và không thể cân đối, bố trí thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, kể cả các chính sách đặc thù phục vụ xây dựng nông thôn mới cũng không được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua do giai đoạn này tỉnh tập trung đối ứng các công trình trọng điểm quốc gia. Do đó, Chương trình rất cần phát huy tối đa ngân sách địa phương và sự chung tay góp sức của cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, đời sống kinh tế xã hội khu vực nông thôn vẫn đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch covid-19, cùng với tác động từ giá cả xăng dầu và vật tư nông nghiệp ở mức cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh và mức thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn
     Với quyết tâm chính trị cao, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng với quan điểm là kế thừa và phát huy thành quả của 10 năm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020, để triển khai xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo đúng định hướng, mục tiêu của Trung ương và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khoá XIV nhiệm kỳ 2020-2025, xây dựng nông thôn mới là hành trình không có điểm dừng. Đây là nhiệm vụ chính trị mang tính thường xuyên và lâu dài, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải thực sự vào cuộc với tinh thần quyết liệt, chủ động, sáng tạo và đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, hữu hiệu; tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực cho nhân dân đảm nhận vai trò chủ thể, chung sức thi đua xây dựng nông thôn mới. 
Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 23/12/2021 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số  40/KH-UBND ngày 15/3/2022 của UBND tỉnh đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có có 72 xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt tỷ lệ 90%, có 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đạt tỷ lệ 40%, có 08 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu đạt tỷ lệ 10%; có 06 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm dựng nông thôn mới đạt tỷ lệ 60%, có 02 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao đạt tỷ lệ 20%.
      Để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới, tỉnh Sóc Trăng đã UBND tỉnh Sóc Trăng đã đề ra 07 giải pháp chủ yếu, cụ thể:
     Một là, đẩy mạnh triển khai, nâng cao chất lượng cuộc vận động xã hội về phong trào xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là Phát động Phong trào thi đua “Sóc Trăng chung sức xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025” đến tận xóm, ấp, khu dân cư và hộ gia đình; đề cao thực hiện việc nêu gương của cán bộ, công chức, đảng viên, hội viên các đoàn thể; thường xuyên phát hiện, biểu dương, khen thưởng kịp thời các gương điển hình qua các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Chú trọng thực hiện tốt công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới các cấp và các tổ chức, cá nhân liên quan, không ngừng nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, trình độ quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu triển khai hiệu quả nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
     Hai là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong triển khai xây dựng nông thôn mới. Phát huy vai trò của người đứng đầu, phải thực sự tâm huyết, trách nhiệm, vào cuộc thường xuyên trong lãnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới; mỗi cơ quan, đơn vị xác định rõ trách nhiệm của mình phụ trách để phối hợp nhịp nhàng trong thực hiện nhiệm vụ chung; thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và bộ máy tham mưu; hoàn thiện, triển khai đầy đủ các cơ chế chính sách phục vụ xây dựng nông thôn mới, nhất là các chính sách tạo môi trường thuận lợi cho người dân tham gia, phát huy vai trò chủ thể. 
     Ba là, triển khai các giải pháp mạnh mẽ, có tính đột phá về huy động, bố trí, quản lý nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh nguồn vốn Trung ương, hàng năm Ủy ban nhân dân các cấp phải chủ động cân đối, bố trí kinh phí địa phương theo phân cấp ngân sách thực hiện xây dựng nông thôn mới theo đúng quy định. Tăng cường lồng ghép kinh phí từ các chương trình, dự án đầu tư hiện có và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để triển khai đồng bộ, toàn diện các nội dung của Chương trình; chú trọng thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, giải pháp huy động tối đa nguồn lực từ xã hội.
     Bốn là, xây dựng nông thôn mới toàn diện, đồng bộ nhưng phải đảm bảo lộ trình chung, có trọng tâm, trọng điểm. Các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị xã hội các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới phù hợp mục tiêu và lộ trình chung của tỉnh đến năm 2025. Ưu tiên cho các xã thuộc đơn vị cấp huyện có khả năng đạt chuẩn huyện nông thôn mới, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và các xã thuộc huyện khó khăn, mức đạt còn thấp; ưu tiên đề xuất các đơn vị còn khó khăn được tham gia các đề án, dự án, chương trình phục vụ xây dựng nông thôn mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành để có thêm nguồn lực phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới.  Về xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển biến rõ nét, có mô hình hiệu quả về cảnh quan môi trường, an ninh trật tự, tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và quản lý quy hoạch (xã nông thôn mới nâng cao phải thực hiện cắm mốc quy hoạch). Về xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu: tùy theo lĩnh vực tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, ưu tiên phát triển nông thôn mới kiểu mẫu về sản xuất nông nghiệp bền vững, về phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, về chuyển đổi số hướng đến xây dựng xã nông thôn mới thông minh.
     Năm là, tập trung phát triển kinh tế nông thôn, không ngừng nâng cao mức sống cho người dân. Chú trọng thực hiện các nội dung Phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn; Phát triển công nghiệp, tạo việc làm, kết hợp xây dựng các mô hình ấp, xóm, khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn làm tiền đề hình thành các điểm, tuyến, sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân; Phát triển hệ thống hạ tầng thương mại nông thôn phù hợp với quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với sự tham gia của các thành phần kinh tế; Quan tâm triển khai đầy đủ và hiệu quả các chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
     Sáu là, thực hiện tốt các nội dung nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tiếp tục ưu tiên thực hiện tiêu chí về Chất lượng môi trường sống trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, tập trung giải quyết các hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực như môi trường, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, cấp nước sạch, quản lý quy hoạch, sinh hoạt văn hóa,… để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn. Đẩy mạnh phát động thi đua thực hiện hộ văn hóa nông thôn mới, ấp văn hóa nông thôn mới mới, tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu mỗi ấp, khu, tuyến dân cư trên địa bàn tỉnh đều có hình thành và duy trì hiệu quả các tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu đạt tiêu chí quy định. 
     Cuối cùng là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng nông thôn mới. Cấp ủy, chính quyền, cơ quan quản lý điều hành Chương trình các cấp cần quan tâm, chú trọng thực hiện công tác kiểm tra, giám sát về xây dựng nông thôn mới, phát huy hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”./.
Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng
THƯ VIỆN NÔNG THÔN MỚI
LƯỢT TRUY CẬP
162790